Các phương pháp xử lý đá quý thông minh (Phần 2)

Kiểu xử lý lót đáy ít phổ biến hơn. Ruby, Sapphire sao thường được làm giả theo kiểu lót đáy bằng cách lấy ruby, sapphire tổng hợp hoặc tự

2.6 Tráng dầu (Oiling)
Tráng dầu là phương pháp xử lý phổ biến trên Emerald (Ngọc lục bảo). Emerald thô sau khi khai thác được thả ngập trong dầu. Khi mài cắt, dầu được dùng làm chất bôi trơn trên mặt đĩa mài. Chất dầu không màu sẽ len vào các khe nứt trên bề mặt viên đá, làm cho các vết này gần như biến mất. Ở công đoạn hoàn thiện, đá đã đánh bóng sẽ được đặt trong môi trường dầu và ép với áp lực cao để đảm bảo độ bền vững của phương pháp xử lý. Đây là phương pháp xử lý được sử dụng rộng rãi đối với hầu như toàn bộ Emerald trên thị trường.
da-quy-4

Trong quá trình sử dụng Emerald, cần lưu ý không để đá trong môi trường lò vi sóng, máy phát sóng siêu âm, nồi hơi … do các thiết bị này có thể làm trôi lớp dầu phủ, khiến các khe nứt xuất hiện trở lại trên bề mặt đá. Với các trường hợp này, có thể xử lý tráng dầu lại rất dễ dàng.

Trong một số trường hợp rất hiếm gặp, người ta xử lý tráng dầu đối với Ruby, hoặc xử lý bằng dầu có màu thay vì dầu không màu. Các phương pháp xử lý này không hiệu quả và ít được thị trường chấp nhận, do vậy hiện tại hầu như đã bị loại bỏ.

2.7 Che phủ (Filling – Impregnation – Stabilization)
Xử lý che phủ bao gồm một số các phương pháp xử lý bề mặt đá sử dụng các hợp chất khác nhau để lấp đầy các khuyết tật, tạo độ bóng, mịn cho bề mặt đá.

Xử lý phủ thủy tinh (Lead-Glass Filling) là phương pháp sử dụng các chất không màu như thủy tinh, chất dẻo … nóng chảy để phủ lấp các bề mặt đá bị rạn nứt, có lỗ hổng … Thủy tinh sẽ lấp đầy các khe nứt, khiến cho bề mặt đá trở nên bóng đẹp và các khe nứt trở nên khó quan sát hơn. Xử lý phủ thủy tinh là kiểu xử lý cực kỳ phổ biến trên Ruby. Nhờ phương pháp xử lý này mà thị trường Ruby trở nên phong phú hơn nhiều, với những sản phẩm đẹp và giá cả rất dễ chịu. Nguyên liệu cho xử lý phủ thủy tinh là loại Ruby có chất lượng bình thường, cách thức xử lý khá đơn giản, các chất phụ gia cũng rất rẻ. Do vậy Ruby xử lý phủ thủy tinh có giá thành rẻ hơn nhiều so với Ruby tự nhiên hoàn toàn hoặc Ruby chỉ xử lý nung nhiệt.

Tại Việt Nam, Ruby xử lý phủ thủy tinh thường được gọi là Ruby Phi (Do phần lớn có xuất xứ từ Châu Phi). Cách xử lý này được chấp nhận nếu người bán cung cấp thông tin rõ ràng và đưa ra mức giá hợp lý cho sản phẩm của mình. Một điều đặc biệt cần lưu ý: Khi tiến hành kiểm định loại Ruby này tại các trung tâm kiểm định của Việt Nam, hầu hết trên vỉ kiểm định sẽ ghi là Ruby tự nhiên (Do loại này về bản chất vẫn là Ruby tự nhiên, nhưng không ghi rõ đã qua xử lý), thông tin chi tiết về cách thức xử lý chỉ được cung cấp trên phiếu kiểm định. Rất nhiều cửa hàng lợi dụng điều này để gây hiểu lầm cho khách hàng. Khi bán hàng họ chỉ cung cấp vỉ kiểm định đi kèm, khiến khách hàng lầm tưởng đây là Ruby tự nhiên hoàn toàn, dẫn đến phải mua với mức giá cắt cổ. Thực tế ngay cả nhiều cửa hàng lớn của Việt Nam cũng vẫn sử dụng loại Ruby này mà không cung cấp đầy đủ thông tin cho khách hàng. Do vậy khi mua Ruby có giá trị cao, cần yêu cầu người bán cung cấp đầy đủ cả vỉ kiểm định và phiếu kiểm định đi kèm.

Gần đây, công nghệ mới đã cho phép xử lý che phủ thực hiện trên Kim cương. Loại Kim cương xử lý kiểu này thường được gọi là “Yehuda filled Diamond”. Phương pháp này chỉ che lấp được những khuyết tật nằm trên bề mặt đá. Với các khuyết tật nằm sâu bên trong, thủy tinh không thể len vào lấp đầy nên không che lấp được. Cách xử lý này được chấp nhận. Tuy nhiên cần lưu ý, do Kim cương nguyên liệu cho loại này có chất lượng bình thường, nên giá thành rẻ hơn nhiều so với Kim cương đẹp tự nhiên.

Xử lý phủ sáp (Impregnation) là phương pháp dùng sáp hoặc paraffin để che phủ các lỗ hổng trên bề mặt đá. Phương pháp này không bền vững, do sáp dễ bị nóng chảy khi gặp nhiệt độ cao, do vậy ít được sử dụng.

Xử lý phủ liên kết (Stabilization) là phương pháp dùng các hợp chất liên kết như chất dẻo để che phủ khuyết tật trên bề mặt đá, đồng thời nâng cao độ bền của đá. Đây là phương pháp xử lý bền vững. Xử lý này thường được thực hiện trên Turquoise, giúp đá không bị tạp chất xâm nhập và không bị mất màu.

Tất cả các loại được xử lý bằng phương pháp che phủ đều phải tránh nhiệt độ cao (Đèn khò thợ kim hoàn, lửa gas, nồi áp suất …), nếu không lớp thủy tinh, sáp có nhiệt độ nóng chảy thấp sẽ bị trôi khỏi bề mặt đá, làm lộ trở lại những khuyết tật nguyên thủy của đá. Tại Việt Nam, những thợ kim hoàn mới vào nghề, thiếu kinh nghiệm rất hay gặp lỗi khi chế tác trang sức Ruby xử lý phủ thủy tinh. Do trong quá trình gắn đá lên ổ nhẫn cần dùng đèn khò nhiệt độ cao để bóp chấu, nếu không cẩn thận sẽ làm rỗ, nứt, thậm chí nổ đá ngay trên ổ.

2.8 Khuếch tán bề mặt (Surface Diffusion)
Xử lý khuếch tán bề mặt là xử lý thường được áp dụng trên Sapphire. Một số hợp chất sẽ được ngấm vào bề mặt đá dưới nhiệt độ cao. Các hợp chất này sẽ khuếch tán trên bề mặt, giúp cải thiện màu sắc đá và tạo hiệu ứng sao. Trong quá trình sử dụng, nếu mặt đá bị xước thì sẽ không thể mài bóng lại. Do cách xử lý này chỉ có tác dụng trên bề mặt, nên khi mài bóng sẽ làm mất lớp xử lý, khiến cho đá mất màu và hiệu ứng sao. Tuy nhiên người dùng cũng không cần quá lo lắng, vì Sapphire là loại đá có độ cứng rất cao nên rất ít khi bị trầy xước.

2.9 Chiếu tia Laze (Lasering)
Xử lý chiếu tia Laze thường được tiến hành trên Kim cương. Tia laze sẽ được chiếu trên bề mặt đá để khoan vào lòng đá tới vị trí có tạp chất nằm ở sâu bên trong đá. Tia laze sẽ đốt cháy các tạp chất đó, giúp đá đẹp và trong hơn. Trong trường hợp tạp chất không bị đốt cháy bằng tia laze, người ta sẽ áp dụng thêm một số phương pháp khử khác để loại bỏ tạp chất. Phương pháp này có ưu điểm là loại bỏ được những tạp chất nằm sâu trong lòng đá. Nhưng nhược điểm là dưới kính phóng đại, các lỗ khoan tia laze để lại có thể dễ dàng bị phát hiện khi quan sát theo hướng vuông góc với mặt đá. Kim cương xử lý bằng phương pháp này thường chỉ được xếp loại độ tinh khiết là SI hoặc I. Nên dù nhìn bên ngoài đá tương đối đẹp và tinh khiết, nhưng mức giá chỉ tương đương với kim cương độ tinh khiết thấp.

2.10 Khử màu (Bleaching)
Xử lý khử màu thường được áp dụng trên các loại đá có nguồn gốc hữu cơ như ngà voi, san hô, ngọc trai. Xử lý này giúp cho đá có màu sáng hơn. Đây là xử lý bền vững và không thể phát hiện, do vậy không có sự khác biệt về giá cả giữa loại chưa xử lý và đã xử lý.

2.11 Đá ghép (Composite gemstone – Assembled stone)
Đá ghép là các đá được ghép từ nhiều mảnh, trong đó có thể là đá quý tự nhiên, đá tổng hợp, thủy tinh màu, kim loại … nhằm tạo ra sản phẩm giống với đá quý chất lượng cao. Đá ghép thường chia làm các loại: Ghép đôi (Doublet), ghép ba (Triplet), lót đáy.

· Đá ghép đôi gồm 2 mảnh ghép lại với nhau. Thường phần mũ là đá có giá trị cao hơn. Thông thường phần mũ sẽ là đá quý tự nhiên, còn phần đáy là đá tổng hợp hoặc thủy tinh màu. Điển hình là đá ghép giả Ruby, bao gồm phần mũ là Garnet (Thường là Almandine) và phần đáy là thủy tinh. Có thể thay đổi thủy tinh các màu khác nhau để làm giả rất nhiều loại đá quý như Emerald, Ruby, Sapphire, Aquamarine, Topaz …Emerald giả được tạo ra bằng cách gắn 2 lớp thạch anh pha lê với nhau bằng keo gelatin màu xanh lục. Ruby sao giả được tạo ra bằng cách phủ 1 lớp chất dẻo màu đỏ hoặc Ruby tổng hợp lên viên Sapphire sao tự nhiên màu trắng hoặc xám

· Đá ghép ba gồm phần trên và dưới là đá tự nhiên không màu, phần giữa là thủy tinh màu. Cách này tạo ra đá ghép có màu rất đẹp. Emerald thường được ghép bằng cách gắn 2 lớp Beryl không màu với lớp thủy tinh xanh lục ở giữa. Opal quý cũng thường được gắn đáy với Opal thường hoặc một loại thủy tinh đen đặc biệt (Opalite)

· Kiểu xử lý lót đáy ít phổ biến hơn. Ruby, Sapphire sao thường được làm giả theo kiểu lót đáy bằng cách lấy ruby, sapphire tổng hợp hoặc tự nhiên trong suốt mài khum 1 mặt. Mặt phẳng phía dưới được khắc các đường thẳng rất mảnh theo góc 120 độ. Sau đó gắn đáy với một gương kim loại để tạo hiệu ứng sao phản xạ trên mặt đá.

3 Kết luận
Một câu hỏi thường xuyên được mọi người đặt ra, đó là: Sử dụng đá tự nhiên hoàn toàn tốt hơn hay đá đã qua xử lý tốt hơn? Câu hỏi này cũng tương tự như việc lựa chọn: Giữa một cô gái không trang điểm và một cô gái biết cách trang điểm, bạn thích người nào hơn? Nếu cả 2 đều đẹp như nhau, tất nhiên tự nhiên hoàn toàn sẽ được ưa thích hơn, có giá trị cao hơn nhiều so với đã qua xử lý. Nhưng nếu lựa chọn giữa một viên đá tự nhiên đẹp bình thường và một viên đá xử lý rất đẹp thì nên chọn viên nào? Lúc này quyết định sẽ phụ thuộc nhiều vào nhu cầu của bạn. Nếu mục đích đeo đá phong thủy để hộ mệnh, dùng đá tự nhiên hoàn toàn sẽ tốt hơn. Nếu mục đích đeo đá để làm trang sức, hay vừa hộ mệnh vừa trang sức (Quan tâm đến tính thẩm mỹ) thì nên sử dụng đá đã qua xử lý.

Nhiều người thường có quan niệm cho rằng, xử lý làm giảm giá trị viên đá. Nhưng thực tế thì ngược lại, mọi loại xử lý đều nhằm mục đích tăng giá trị viên đá. Sở dĩ đá đã qua xử lý có giá thành rẻ hơn là do nguồn nguyên liệu đầu vào có chất lượng bình thường, giá rẻ hơn nhiều so với hàng tự nhiên hoàn toàn chất lượng cao. Nên dù có cộng thêm chi phí xử lý thì giá thành vẫn rẻ hơn đá tự nhiên hoàn toàn.

Cần lưu ý rằng, có những loại xử lý không làm ảnh hưởng nhiều đến giá trị viên đá, đá đã qua xử lý có giá xấp xỉ đá tự nhiên hoàn toàn. Có những loại xử lý làm giá thành viên đá giảm nhiều so với đá tự nhiên hoàn toàn:

Những xử lý bền vững, được chấp nhận rộng rãi, ít ảnh hưởng đến giá trị đá: Nung nhiệt, chiếu bức xạ, khử màu
Những xử lý tương đối bền vững, được chấp nhận rộng rãi: Khuếch tán màu, tráng dầu, chiếu tia laze
Những xử lý không bền vững, giá thành rẻ: Nhuộm màu, che phủ, khuếch tán bề mặt, đá ghép

Cùng Danh Mục:

Liên Quan Khác

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *