Các phương pháp xử lý đá quý thông minh (Phần 1)

Che phủ là phương pháp xử lý bề mặt đá bằng cách phủ một lớp màng vật chất mỏng lên bề mặt đá. Chủ yếu nhằm mục đích cải thiện màu sắc đá.

1 Lời nói đầu
Xử lý là công nghệ đã tồn tại và phát triển từ hàng trăm năm nay, và là một yếu tố rất quan trọng ảnh hưởng đến giá trị .
gemstone-shampoo-e1451033660397

Phần lớn đá thô khi khai thác trong tự nhiên có chất lượng thấp, không đủ điều kiện để chế tác. Đối với các loại đá quý hiếm, lượng đá đủ tiêu chuẩn để làm trang sức lại càng ít hơn.

Để nâng cao giá trị thương mại của lượng đá chất lượng bình thường, cung như đáp ứng nhu cầu ngày càng lớn của thị trường, công nghệ ngày càng được phát triển, với những phương pháp xử lý ngày càng tinh vi hơn, giúp tăng vẻ đẹp của đá quý.

Xử lý đá quý bao gồm các phương pháp tác động từ bên ngoài như nung nhiệt, chiếu bức xạ, nhuộm màu, phủ dầu/thủy tinh … nhằm nâng cao chất lượng đá (Màu sắc, độ trong, hiệu ứng quang học …)

Một số phương pháp xử lý diễn ra gần giống như trong tự nhiên, rất bền vững và gần như không thể phát hiện. Nhờ những phương pháp xử lý này mà thị trường đá quý có thêm một lượng lớn sản phẩm đẹp, đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng. Một số phương pháp xử lý khác cũng rất bền vững, cưỡng bức thay đổi tính chất của đá (VD: Chiếu tia bức xạ làm đá topaz không màu đổi sang màu xanh). Một số ít các phương pháp xử lý kém bền vững ít được sự ưa chuộng của người dùng và đang dần bị thay thế.

Bài viết này sẽ đề cập chi tiết đến những thường gặp, giúp các bạn có thể nắm được các phương pháp xử lý, đánh giá giá trị đá sử dụng các phương pháp xử lý khác nhau.

2 Những phương pháp xử lý đá quý thường gặp

Thông thường việc xử lý đá quý được tiến hành bởi các trung tâm chế tác đá quý. Khi đã bỏ ra một khoản tiền để đầu tư, mua đá thô và tiến hành mài cắt, chạm khắc, người chế tác sẽ mong muốn sản phẩm của mình làm ra càng dễ tiêu thụ càng tốt, đo đó họ sẽ tiến hành xử lý để đá quý trông đẹp và dễ bán hơn. Đôi khi việc xử lý được tiến hành ngay trên đá thô (VD: Sapphire và Ruby thô thường được nung nhiệt để cải thiện độ trong, màu sắc trước khi được bán cho các trung tâm chế tác). Phần lớn đá thô được xử lý ngay tại nước khai thác, sau khi được mua bán trao tay một vài lần, có thể các thông tin xử lý này sẽ bị bỏ qua và không thể phát hiện.

Vậy việc xử lý tác động thế nào tới giá trị viên đá? Để trả lời câu hỏi này, cần xác định đó là loại đá gì, áp dụng phương pháp xử lý nào.

Một số loại đá sẽ không thể được phổ biến trên thị trường nếu không được xử lý. Citrine và Tanzanite là 2 ví dụ rõ nhất. Citrine và Tanzanite có chất lượng thương mại trong tự nhiên cực kỳ hiếm, hầu hết Citrine và Tanzanite trên thị trường đều đã được xử lý nhiệt. Xử lý này rất bền vững và hiện tại không thể phát hiện.

Một số loại đá chưa có phương pháp xử lý với công nghệ hiện tại, bao gồm: Garnet, Peridot, Iolite, Spinel, các loại đá thuộc nhóm Chrysoberyl, Tourmaline mắt mèo, Malachite, Hematite, các loại đá thuộc nhóm Feldspar (thường gặp nhất là Đá mặt trăng). Tuy nhiên cần lưu ý là công nghệ xử lý đá liên tục phát triển, do vậy trong tương lai có thể sẽ xuất hiện các phương pháp xử lý mới trên các loại đá này.

2.1 Nung nhiệt (Heating)
Nung nhiệt là phương pháp xử lý phổ biến nhất hiện nay trên thị trường. Nó có thể cải thiện màu sắc đá, làm đá sáng hơn hoặc sẫm hơn. Một số trường hợp, nung nhiệt làm thay đổi hoàn toàn màu sắc đá. Các loại đá sau thường được xử lý nung nhiệt: Ruby, Sapphire, Tanzanite, Citrine, Topaz hồng, Aquamarine, Zircon xanh, đôi khi Tourmaline và Amethyst cũng được nung nhiệt để làm màu đá sáng hơn.

Xử lý nung nhiệt tương đối giống với sự hình thành của đá trong tự nhiên, do vậy rất bền vững. Với công nghệ hiện tại hầu như không thể phát hiện được đá đã qua xử lý nung nhiệt hay chưa. Vì thế thông thường không có sự khác biệt về giá cả giữa đá tự nhiên hoàn toàn và đá đã được nung nhiệt. Trong hầu hết các trường hợp, vì đá xử lý nhiệt có màu sắc đẹp hơn, nên giá trị còn cao hơn đá chưa qua xử lý. Tanzanite, Citrine, Topaz hồng, Zircon xanh sẽ gần như không thể xuất hiện trên thị trường nếu không có phương pháp xử lý nung nhiệt. Một ngoại lệ là Ruby, Sapphire xử lý nhiệt. Ruby, Sapphire tự nhiên hoàn toàn thường chứa các sợi rutile cực nhỏ (Giống trong thạch anh tóc) hoặc các bọt khí gas. Khi nung nhiệt các tạp chất này sẽ biến mất. Các giám định viên có thể căn cứ vào yếu tố này để xác định Ruby, Sapphire đã được xử lý nhiệt hay chưa. Những viên Ruby, Sapphire đẹp tự nhiên hoàn toàn, chưa qua xử lý nhiệt sẽ có giá trị cao hơn hẳn, do mức độ cực kỳ quý hiếm.

Xử lý đá quý

2.2 Chiếu bức xạ (Irradiation)
Chiếu bức xạ là phương pháp bắn phá cấu trúc đá bằng cách sử dụng các hạt cơ bản hoặc tia bức xạ. Đôi khi xử lý bức xạ được kết hợp với xử lý nhiệt để cải thiện màu sắc đá, thậm chí tạo cho đá màu sắc mới hoàn toàn. Topaz xanh là ví dụ điển hình về xử lý bức xạ. Tùy theo mức độ bức xạ và xử lý nhiệt đi kèm sẽ tạo ra các sắc độ đậm nhạt khác nhau cho Topaz. Trong tự nhiên Topaz xanh có tồn tại, nhưng rất hiếm và màu sắc rất nhạt. Topaz xanh đã qua xử lý bức xạ sẽ có những vết chuyển màu trong lòng đá mà Topaz tự nhiên không có. Có thể căn cứ vào dấu hiệu này để nhận biết Topaz xử lý. Hầu hết Topaz trên thị trường đều đã qua xử lý bức xạ, và có giá thành trên mỗi ct tương đối rẻ so với các loại đá khác có màu tương đương như Sapphire, Zircon, Paraiba Tourmaline …

Xử lý đá quý

Tourmaline cũng có thể được xử lý bức xạ để biến đá có màu đỏ sậm thành đá có màu đỏ sáng hơn, xử lý này hiện tại không thể phát hiện. Do vậy Tourmaline tự nhiên hoàn toàn và đã qua xử lý có giá cả tương đương nhau.

Kim cương không màu cũng có thể được chiếu bức xạ và nung nhiệt để tạo ra các loại kim cương có màu xanh lá, vàng, xanh lam, nâu … (Fancy Diamond). Các loại kim cương đã qua xử lý bức xạ thường có giá rẻ hơn so với kim cương màu tự nhiên có cùng thông số.

Ngọc trai nuôi cũng có thể được chiếu bức xạ để tạo màu xám hoặc xanh lam. Tuy nhiên xử lý nhuộm màu trên ngọc trai được sử dụng phổ biến hơn. Giá thành của ngọc trai xử lý bức xạ và xử lý nhuộm màu là ngang nhau, và rẻ hơn nhiều so với ngọc trai đẹp tự nhiên.

2.3 Nhuộm màu (Dyeing)
Nhuộm màu là phương pháp xử lý rất phổ biến. Tùy thuộc từng loại đá mà phương pháp này có thể tốt hoặc không tốt. Nếu không có nhuộm màu, sẽ không thể có Onyx đen. Thiên nhiên đã … quên mất màu đen trên Chalcedony. Đá thuộc nhóm Chalcedony (Chủ yếu là mã não) thường được nhuộm màu xanh lam, xanh lá, da cam hoặc trộn lẫn nhiều màu, sau đó sẽ được chế tác. Các sản phẩm đã nhuộm màu thường trông “không thật” và rất dễ nhận biết. Tuy nhiên màu sắc của chúng rất đẹp, giá thành rẻ, do đó thỏa mãn nhu cầu của cả người mua lẫn người bán.

Ngọc trai nuôi Akoya của Nhật Bản có thể hình thành với rất nhiều màu sắc. Nếu ngọc có màu xám, xanh lam, tím, đen mờ, đồng thì nhiều khả năng ngọc đó đã được nhuộm màu. Một số ngọc trai còn được nhuộm màu hồng. Có thể phát hiện ngọc trai có nhuộm màu hay không bằng cách quan sát lỗ khoan và các vết trên bề mặt ngọc. Nếu tại các vị trí này màu sắc không đồng nhất với màu chung thì có thể ngọc đó đã được nhuộm màu. Loại ngọc trai tại biển Nam Hải thường có kích thước lớn hơn và nhiều màu sắc tự nhiên hơn ngọc trai tại Nhật Bản, do biển Nam Hải có nhiều loài nhuyễn thể khác nhau có khả năng sinh ngọc. Ngọc trai đen Tahitian là loại ngọc hiếm có màu đen tự nhiên. Các loại ngọc trai có màu sắc tự nhiên thường có giá cao hơn nhiều ngọc trai nhuộm màu.

Xử lý nhuộm màu trên Chalcedony và Ngọc trai là xử lý bền vững và được chấp nhận rộng rãi. Những màu được nhuộm thường là những màu sắc không tồn tại trong tự nhiên, do đó rất dễ nhận biết và được chấp nhận. Tuy nhiên xử lý nhuộm màu trên Jade, Lapis Lazuli, Turquoise, san hô thì kém bền vững hơn và ít được ưa chuộng. Xử lý nhuộm thường được tiến hành trên các đá nguyên liệu kém chất lượng. Lapis Lazuli nhuộm màu có thể dễ dàng phát hiện bằng cách lấy một miếng vải bông tẩm Axeton (Dung dịch tẩy sơn móng tay) cọ xát lên bề mặt đá. Nếu đá đã bị nhuộm màu, màu sẽ bị loang sang miếng vải. Các loại đá đã qua nhuộm màu như trên thường có giá rất rẻ. Tuy nhiên cần chú ý, trong quá trình sử dụng, nếu tiếp xúc nhiều với mồ hôi, màu nhuộm có thể loang ra trang phục.

Xử lý đá quý

Xử lý nhuộm màu trên ngọc Jade (Cẩm thạch) khó phát hiện hơn. Cẩm thạch nhuộm màu được gọi là cẩm thạch loại C, có giá trị thấp nhất trong các loại cẩm thạch. Do đó nếu bắt gặp trên thị trường những loại cẩm thạch có giá quá rẻ, nhưng lại được quảng cáo là cẩm thạch loại A thì nhiều khả năng đó là thông tin không chính xác.

Xử lý nhuộm màu trên San hô cũng rất phổ biến. Hầu hết san hô trên thị trường đều là loại đã được nhuộm màu, do san hô màu tự nhiên hiện tại cực kỳ hiếm và là loại tài nguyên bị cấm khai thác tại nhiều quốc gia. San hô có cấu trúc xốp, hút màu mạnh nên rất dễ nhuộm. Có thể nhận biết san hô đã nhuộm màu bằng cách quan sát. Nếu màu phân bố đậm hơn ở các vị trí khe nứt trên bề mặt đá thì nhiều khả năng là đá đã được nhuộm màu.

Xử lý đá quý

2.4 Khuếch tán màu (Color Diffusion)
Xử lý khuếch tán màu thường được tiến hành trên Topaz. Về độ bền màu, phương pháp này cho kết quả tốt hơn xử lý che phủ, nhưng kém hơn xử lý bức xạ. Tuy nhiên ưu điểm là đá sau xử lý không cần phải khử phóng xạ. Xử lý khuếch tán là phương pháp đặt đá cần xử lý trong môi trường chất tạo màu (Thường là môi trường chứa các kim loại đồng hóa trị) và tiến hành nung ở nhiệt độ cao. Các phân tử chất tạo màu dao động mạnh sẽ khuếch tán vào bề mặt đá, có thể thay thế các nguyên tử gốc trong đá, tạo ra một lớp màu xử lý trên bề mặt đá. Đá xử lý bằng phương pháp này tương đối bền màu, không có hiện tượng bong màu khi bị thay đổi nhiệt độ đột ngột.

Xử lý đá quý

2.5 Che phủ (Coating)
Che phủ là phương pháp xử lý bề mặt đá bằng cách phủ một lớp màng vật chất mỏng lên bề mặt đá. Chủ yếu nhằm mục đích cải thiện màu sắc đá.

Xử lý này có thể được tiến hành trên Topaz. Topaz đa sắc (Mystic Topaz) và Topaz hồng được tạo ra bằng phương pháp này. Do màu chỉ được phủ trên lớp bề mặt nên có thể bị bong lớp tạo màu khi tiếp xúc với nhiệt độ cao và thay đổi đột ngột.

Xử lý này đôi khi được thực hiện trên Kim cương, để biến kim cương không màu thành có màu và bán với giá cao hơn cho người tiêu dùng. Xử lý loại này không được chấp nhận rộng rãi và nên tránh khi mua.

Xử lý đá quý

Opal đa sắc cũng thường được phủ một lớp màng đen ở mặt sau viên đá, giúp hiệu ứng lóe màu (Play of Colors) được thể hiện rõ hơn. Quá trình này cũng có thể được gọi là đá ghép (Doublet). Phương pháp xử lý này được chấp nhận nếu người bán có cung cấp thông tin rõ ràng và đưa ra mức giá cả hợp lý.

(Còn tiếp …)

Cùng Danh Mục:

Liên Quan Khác

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *