Tìm hiểu các tiêu chuẩn đánh giá đá quý (Phần 2)
Một yếu tố rất quan trọng nữa ảnh hưởng đến giá trị của đá, đó là thị hiếu của người tiêu dùng. Có những loại đá tuy độ cứng không cao,
7 Màu sắc (Color)
Cùng một loại đá có thể có rất nhiều sắc độ màu khác nhau, do đó giá trị cũng khác nhau. Thông thường màu đá càng đậm thì giá trị sẽ càng cao. Tuy nhiên nếu màu sậm quá dẫn tới không bắt sáng lại làm giảm giá trị viên đá.
VD: Với đá Topaz, thông thường người ta chia ra 3 sắc độ:
London Blue Topaz: Màu xanh biển đậm, đẹp nhất, giá trị cao nhất
Swiss Blue Topaz: Màu xanh biển vừa, đẹp, giá trị cao
Sky Blue Topaz: Màu xanh biển nhạt, giá trị thấp hơn (Tuy nhiên lưu ý, nếu Sky Blue Topaz là màu tự nhiên 100%, không qua xử lý bức xạ nhiệt thì giá có thể cao hơn 2 loại trên)
Các loại đá quý thường có một sắc độ màu làm chuẩn, với giá trị cao nhất. Chẳng hạn Ruby là màu đỏ huyết bồ câu, Sapphire là màu xanh cửu long, Kim cương là màu trắng trong hoàn toàn (Kim cương nước D). Các màu sắc đậm hoặc nhạt hơn màu chuẩn sẽ có giá trị thấp hơn.
Do những loại đá như Ruby, Sapphire, Emerald … đều rất hiếm trong tự nhiên, nên nhiều trường hợp người ta sử dụng những loại đá khác có màu sắc tương tự, nhưng phổ biến hơn để thay thế. Nhờ màu sắc tương tự nên những loại đá này cũng có giá trị tương đối cao. VD:
Các loại đá có màu tương tự Ruby: Spinel, Spessartine Garnet, Zircon
Các loại đá có màu tương tự Sapphire: Tanzanite, Kyanite, Iolite
Các loại đá có màu tương tự Emerald: Demantoid Garnet, Tsavorite, Chrome Diopside
8 Kiểu mài cắt và hình dạng (Cut type & Shape)
Kiểu mài cắt được chia thành 2 dạng chính là Facet (Mài giác) và Cabochon (Mài tròn). Mài facet thường dùng cho đá trong, mài cabochon thường dùng cho đá bán trong hoặc đục.
Trong mài facet lại có rất nhiều kiểu mài với hình dạng và số mặt cắt khác nhau. Dưới đây là một số kiểu mài facet thông dụng:
Hình 6: Các kiểu mài cắt Facet cơ bản
Thông thường thợ mài sẽ dựa theo hình dạng đá thô để lựa chọn hình dáng và kiểu mài cắt phù hợp. Các hình dạng mài cắt khác nhau không ảnh hưởng nhiều tới giá trị viên đá.
Để một viên đá mài facet đạt được hiệu ứng quang học tốt nhất (“lấp lánh” nhất), người ta đã tính toán được tỷ lệ tương quan giữa chiều dài – rộng – dày cũng như số mặt cắt tương ứng với từng kiểu mài. Một viên đá được mài cắt không đúng chuẩn (Quá mỏng, quá dày, các mặt cắt không đều, không đủ số mặt cắt …) sẽ kém lấp lánh hơn, có thể giảm giá trị. Điều này đặc biệt rõ ở kim cương: Viên kim cương khối lượng lớn nhưng mài không theo chuẩn có thể sẽ có giá thấp hơn viên kim cương có khối lượng nhỏ nhưng đc mài cắt đúng tiêu chuẩn.
Ngoài những kiểu mài cắt thông dụng, người thợ mài đã sáng tạo ra rất nhiều kiểu cắt đẹp và cực kỳ phức tạp. Với những kiểu mài cắt này, giá trị viên đá tăng lên rất nhiều.
9 Các hiệu ứng quang học đặc biệt
Ngoài vẻ đẹp thông thường, một số loại đá còn có những tính chất rất đặc biệt khi được chiếu ánh sáng, ta gọi chung là các hiệu ứng quang học trên đá. Các hiệu ứng này có thể là lên sao, ánh mắt mèo, ánh xà cừ, đổi màu … Một vài ví dụ điển hình là Ruby sao, Opal đa sắc, Alexandrite đổi màu …
Hiệu ứng lửa (Fire)
Hiệu ứng sao (Star effect hoặc Asterism)
Hiệu ứng mắt mèo (Cat’s eye effect hoặc Chatoyancy)
Hiệu ứng đổi màu (Color change)
Hiệu ứng lóe màu (Play of colors hoặc Schiller)
Ánh xà cừ (Labradorescence)
Phát quang (Fluorescence)
Ánh cầu vồng (Iridescence)
Chi tiết về tính chất, giá trị của từng hiệu ứng sẽ được đề cập đầy đủ trong một bài viết khác. Khá nhiều loại đá được đánh giá giá trị thông qua mức độ rõ nét của hiệu ứng quang học trên đá đó (VD Ruby/Sapphire sao, đá mắt hổ, Opal, Alexandrite …)
10 Xử lý (Treatment)
Xử lý là một yếu tố rất quan trọng ảnh hưởng đến giá trị đá quý.
Phần lớn đá thô khi khai thác trong tự nhiên có chất lượng thấp, không đủ điều kiện để chế tác. Đối với các loại đá quý hiếm, lượng đá đủ tiêu chuẩn để làm trang sức lại càng ít hơn.
Để nâng cao giá trị thương mại của lượng đá chất lượng bình thường, cung như đáp ứng nhu cầu thị trường, công nghệ xử lý đá quý ngày càng được phát triển, với những phương pháp xử lý ngày càng tinh vi hơn, giúp tăng vẻ đẹp của đá quý.
Xử lý đá quý bao gồm các phương pháp tác động từ bên ngoài như nung nhiệt, chiếu bức xạ, nhuộm màu, phủ dầu/thủy tinh … nhằm nâng cao chất lượng đá (Màu sắc, độ trong, hiệu ứng quang học …)
Những phương pháp xử lý đá quý thường gặp:
Nung nhiệt (Heating)
Chiếu bức xạ (Irradiation)
Nhuộm màu (Dyeing)
Khuếch tán màu (Color Diffusion)
Che phủ (Coating)
Tráng dầu (Oiling)
Phủ thủy tinh (Lead-grass Filling)
Khuếch tán bề mặt (Surface Diffusion)
Chiếu tia Laze (Lazering)
Đá ghép (Doublet)
Một câu hỏi thường xuyên được mọi người đặt ra, đó là: Sử dụng đá tự nhiên hoàn toàn tốt hơn hay đá đã qua xử lý tốt hơn? Câu hỏi này cũng tương tự như việc lựa chọn: Giữa một cô gái không trang điểm và một cô gái biết cách trang điểm, bạn thích người nào hơn? Nếu cả 2 đều đẹp như nhau, tất nhiên tự nhiên hoàn toàn sẽ được ưa thích hơn, có giá trị cao hơn nhiều so với đã qua xử lý. Nhưng nếu lựa chọn giữa một viên đá tự nhiên đẹp bình thường và một viên đá xử lý rất đẹp thì nên chọn viên nào? Lúc này quyết định sẽ phụ thuộc nhiều vào nhu cầu của bạn. Nếu mục đích đeo đá phong thủy để hộ mệnh, dùng đá tự nhiên hoàn toàn sẽ tốt hơn. Nếu mục đích đeo đá để làm trang sức, hay vừa hộ mệnh vừa trang sức (Quan tâm đến tính thẩm mỹ) thì nên sử dụng đá đã qua xử lý.
Nhiều người thường có quan niệm cho rằng, xử lý làm giảm giá trị viên đá. Nhưng thực tế thì ngược lại, mọi loại xử lý đều nhằm mục đích tăng giá trị viên đá. Sở dĩ đá đã qua xử lý có giá thành rẻ hơn là do nguồn nguyên liệu đầu vào có chất lượng bình thường, giá rẻ hơn nhiều so với hàng tự nhiên hoàn toàn chất lượng cao. Nên dù có cộng thêm chi phí xử lý thì giá thành vẫn rẻ hơn đá tự nhiên hoàn toàn.
Cần lưu ý rằng, có những loại xử lý không làm ảnh hưởng nhiều đến giá trị viên đá, đá đã qua xử lý có giá xấp xỉ đá tự nhiên hoàn toàn. Có những loại xử lý làm giá thành viên đá giảm nhiều so với đá tự nhiên hoàn toàn:
Những xử lý bền vững, được chấp nhận rộng rãi, ít ảnh hưởng đến giá trị đá: Nung nhiệt, chiếu bức xạ, chiếu tia laze
Những xử lý tương đối bền vững, được chấp nhận rộng rãi, ít ảnh hưởng đến giá trị đá: Khuếch tán màu, tráng dầu
Những xử lý tương đối bền vững, được sử dụng rộng rãi, giá thành rẻ: Phủ thủy tinh
Những xử lý không bền vững, giá thành rẻ: Nhuộm màu, che phủ, khuếch tán bề mặt, đá ghép
11 Nguồn gốc (Origin)
Nguồn gốc đá có liên quan chặt chẽ đến chất lượng của đá. Cùng một loại đá, nhưng tùy thuộc điều kiện địa chất khác nhau sẽ cho chất lượng khác nhau. Trên thị trường đá quý, đôi khi chỉ cần đưa thông tin mỏ khai thác là giá trị viên đá đã tăng lên nhiều lần. Dưới đây là quê hương một số loại đá quý nổi tiếng, nơi cho ra những viên đá chất lượng cao nhất thế giới:
Kim cương: Nam Phi
Ruby, Sapphire: Mianma, Việt Nam
Emerald: Colombia
Opal: Úc, Ethiopia
Jade: Mianma
Tourmaline: Paraiba
Alexandrite: Nga
Ngọc trai: Nhật Bản
Citrine: Braxin
Ametrine: Bolivia
Moldavite: Cộng hòa Séc
…
12 Thị hiếu
Một yếu tố rất quan trọng nữa ảnh hưởng đến giá trị của đá, đó là thị hiếu của người tiêu dùng. Có những loại đá tuy độ cứng không cao, cũng không quý hiếm, nhưng lại có giá thành cao, do nhu cầu rất lớn từ người tiêu dùng.
Một ví dụ rất gần gũi, đó là cẩm thạch. Cẩm thạch (bao gồm 2 loại đá là Jadeit và Nephrite) không phải loại đá quá quý hiếm. Độ cứng của cẩm thạch chỉ ngang với thạch anh. Tuy nhiên do thị hiếu sử dụng ngọc đã tồn tại từ hàng ngàn năm nay ở các nước Á Đông như Trung Quốc, Việt Nam, Mianma, Hồng Kông … nên ngọc cẩm thạch có giá trị thương mại rất cao và rất được ưa chuộng.
Một ví dụ khác là thị hiếu sử dụng Ruby của người Ấn Độ. Người Ấn Độ không chỉ coi Ruby là trang sức, mà còn coi đó là loại đá hộ mệnh, biểu tượng của tôn giáo, quyền lực và sức mạnh. Do Ruby đẹp rất quý hiếm và giá thành rất cao, nên để đáp ứng nhu cầu lớn từ thị trường, các loại ruby chất lượng thấp được nhuộm màu với giá thành cực rẻ được sản xuất tràn lan tại Ấn Độ. Loại này tuy chất lượng thấp, rất dễ phai màu, nhưng nhờ thị hiếu của người dân mà được tiêu thụ rất mạnh.
13 Kết bài
Thị trường đá quý rất phong phú và đa dạng về chủng loại cũng như giá cả. Bên cạnh việc trang bị cho mình những hiểu biết cơ bản về đá, khách hàng cũng nên tham khảo kỹ lưỡng trước khi mua và chọn mua hàng tại những cửa hàng có uy tín, có hiểu biết sâu về đá để đảm bảo quyền lợi của chính bản thân mình.
Leave a Reply